21/4/2023

814

Sinh viên năm nhất ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng DNU được ưu ái đặc biệt về cơ hội thực tập và tuyển dụng

Vừa qua, trường Đại học Đại Nam (DNU) đã tổ chức thành công chuyến đi thực tế 3 ngày 2 đêm cho sinh viên năm nhất ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu nghị, Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma và Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn). Với sự thông minh, năng động, cầu thị học hỏi, sinh viên Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng DNU chiếm trọn “thiện cảm” và được ưu ái đặc biệt về cơ hội thực tập, tuyển dụng tại các doanh nghiệp Nhà nước sau khi ra trường.

Thầy cô và sinh viên "check - in" Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Chia sẻ về việc cho sinh viên năm nhất đi trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, TS. Lê Thị Mỹ Ngọc - trưởng khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cho biết: "Tăng cường trải nghiệm tối đa giữa học và hành tại doanh nghiệp là 1 trong 6 hệ sinh thái học tập đang được trường Đại học Đại Nam tập trung mọi nguồn lực để phát triển. Đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thực tế là cách học hết sức hữu ích giúp sinh viên tiếp cận đa chiều, hiệu quả các kiến thức của ngành học; định hướng công việc tương lai; nhận biết bản thân cần phải bổ sung, cải thiện thêm những kiến thức và kỹ năng gì để đáp ứng cho công việc sau này…"

Trong chuyến trải nghiệm thực tế 3 ngày 2 đêm tại Lạng Sơn, sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng được tìm hiểu về hoạt động thương mại biên giới; vai trò và nhiệm vụ của các Chi cục Hải quan tại cửa khẩu; được trực tiếp theo dõi các công việc của các đơn vị thực tế phải làm…

Cụ thể:

Tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, sinh viên được tìm hiểu về lịch sử và cơ cấu ngành Hải quan; quy trình thủ tục hải quan; nghiệp vụ kiểm tra giám sát hải quan; kiểm tra thực tế hàng hóa; kiểm tra sau thông quan; các hoạt động kiểm tra thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa đường bộ từ Việt Nam sang Trung Quốc và các luồng xuất cảnh tại Cửa khẩu…

 Khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tặng quà lưu niệm và chụp ảnh cùng lãnh đạo Chi cục Hải Quan cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Bên cạnh đó, sinh viên còn được chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, các kỹ năng mà ngay từ ngày còn ngồi trên giảng đường cần phải tích lũy, trau dồi để sau này có thể vững vàng làm công việc, ngành nghề mà mình theo đuổi.

Bà Hứa Thị Hồng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đánh cao tinh thần chịu khó học hỏi, tìm hiểu trước những kiến thức thực tiễn về thực tế hoạt động hải quan tại cửa khẩu của sinh viên trường Đại học Đại Nam. Bà cho rằng, sinh viên năm thứ nhất mà đưa ra rất nhiều câu hỏi sát với thực tế, có tính chuyên sâu về quy trình nghiệp vụ hải quan như vậy là rất tốt cho công việc sau này.

Thầy trò chụp ảnh lưu niệm tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị.

Tại Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương, thầy trò Đại học Đại Nam được bà Nguyễn Thị My Hương - Phó Tổng giám đốc kinh doanh dịch vụ chia sẻ về các loại hình dịch vụ logistics của công ty cũng như những câu chuyện truyền cảm hứng về tình yêu, sự tận tuỵ với nghề logistics. Thăm quan bến bãi rộng gần 100 ha “mục sở thị” các hoạt động vận tải tại bến.

Bà Nguyễn Thị My Hương, Phó tổng giám đốc kinh doanh dịch vụ Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương phát biểu chào mừng Đoàn trường Đại học Đại  Nam tới thăm công ty.

Thầy trò chụp ảnh lưu niệm trước Cổng Bảo Lâm – Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương (hàng hóa qua cổng này là đủ điều kiện sang thẳng Trung Quốc)

Tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma, sinh viên được “mục sở thị” công việc tiếp nhận và xử lý tờ khai Hải quan, phân luồng hàng hóa rất chuyên nghiệp và hiện đại,... Bên cạnh những chia sẻ về nghiệp vụ, các bạn sinh viên còn được chia sẻ những thông tin về yêu cầu cần thiết đối với các ứng viên xin việc đứng trên góc độ của các nhà tuyển dụng.

Ông Nguyễn Bảo Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Hải Quan Cửa khẩu Chi Ma chia sẻ chức năng, nhiệm vụ và hoạt động Hải Quan tại cửa khẩu.

Theo ông Nguyễn Bảo Ngọc - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, đây là lần đầu tiên Chi cục đón sinh viên năm nhất đến trải nghiệm thực tiễn. Việc Đại học Đại Nam tổ chức cho sinh viên đi trải nghiệm sớm từ năm thứ nhất là rất thiết thực và bổ ích cho sinh viên. Sinh viên đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, lắng nghe các thông tin Lãnh đạo Chi cục truyền tải.

Trong phần giao lưu, hỏi đáp, cán bộ hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đánh giá các câu hỏi rất sát thực tế và có tính nghiên cứu chuyên sâu về quy trình nghiệp vụ hải quan, các thông tin liên quan đến chính sách, quá trình làm thủ tục hải quan của cơ quan và doanh nghiệp, các vướng mắc phát sinh thực tế hàng ngày mà không phải ai cũng nắm được.

“Sinh viên Đại học Đại Nam rất nghiêm túc, nề nếp, thông minh, năng động và ham học hỏi. Chúng tôi luôn rất muốn nhận những sinh viên như vậy đến trải nghiệm thực tế, thực hành, thực tập và làm việc sau khi ra trường…” ông Nguyễn Bảo Ngọc cho biết.

Thầy trò chụp ảnh lưu niệm cùng các Cán bộ Chi cục Hải Quan Cửa khẩu Chi Ma.

Tại Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, thầy trò Đại học Đại Nam tiếp tục nhận được sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình và tiếp nhận những bài học thực tiễn quý giá cho hành trang học tập, tích luỹ kinh nghiệm.

TS. Lê Thị Mỹ Ngọc cùng Cán bộ Hải Quan thuộc Chi cục Hải Quan Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng dẫn đoàn sinh viên đi tham quan hiện trường Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng.

Thầy trò chụp ảnh lưu niệm tại Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng.

Tại buổi nói chuyện chuyên đề với TS. Lương Đăng - Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Tỉnh Lạng Sơn, Nguyên Giám đốc Sở Thương Mại và Du lịch, Nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lạng Sơn, sinh viên được tìm hiểu sâu và có hệ thống về thực trạng thương mại biên giới và hoạt động logistics gắn với thương mại biên giới tỉnh Lạng Sơn.

TS. Lương Đăng Ninh chia sẻ thực trạng thương mại biên giới và hoạt động logistics gắn với thương mại biên giới tỉnh Lạng Sơn cho sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng DNU.

TS. Lê Thị Mỹ Ngọc chia sẻ: “Ba ngày thực tế tại Lạng Sơn tuy không dài, nhưng đủ để các bạn sinh viên có những trải nghiệm thực sự cần thiết và quý giá. Các em đã bước đầu hình dung và hiểu được về quy trình thủ tục hải quan; cách thức giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa; cách thức kiểm tra, giám sát của Cơ quan Hải quan…; nắm được sơ bộ những lý thuyết học tại giảng đường với thực tế hoạt động tại cửa khẩu. Đó còn là khoảng thời gian gắn kết thầy cô, bạn bè tuyệt vời. Đặc biệt, các bạn đã có cho mình những định hướng rõ nét hơn về nghề nghiệp tương lai, từ đó có chiến lược học tập rõ ràng, hiệu quả…"

Một số hình ảnh của chuyến đi thực tế tại Lạng Sơn:

 

Sinh viên cùng Cán bộ Hải Quan thuộc Chi cục Hải Quan Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng chụp ảnh lưu niệm tại lối lên xuống đón Chủ tịch Kim Jong-un sang Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với cán bộ Hải Quan, nghe tư vấn về nghiệp vụ khai báo Hải quan tại Chi cục Hải Quan Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng.

Thăm quan Phòng Nghiệp vụ tại Chi cục Hải Quan Cửa khẩu Chi Ma.

Sinh viên xin phỏng vấn lấy thông tin về nghiệp vụ Hải Quan phục vụ cho việc viết Báo cáo thực tập 1 tại hiện trường Cửa khẩu Chi Ma.

Thăm quan Phòng nghiệp vụ theo hướng dẫn của các anh chị cán bộ tại Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương.

Sinh viên chăm chú lắng nghe chia sẻ và đặt câu hỏi cho cán bộ Chi cục Hải quan.