30/12/2021

1212

Làm việc trong môi trường đa văn hóa, sinh viên Quản trị kinh doanh cần trang bị những kỹ năng gì?

Với mục đích giúp các bạn sinh viên trang bị những kỹ năng để làm việc trong môi trường toàn cầu, đa văn hóa, vừa qua, Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Đại Nam đã tổ chức thành công “Talkshow Những kỹ năng cần trang bị để làm việc trong môi trường đa văn hóa” với sự chia sẻ của bà Đặng Vũ Thanh Bình - Giám đốc Công ty Golden BC PTY - Adelaide, Australia.

Buổi Talkshow thu hút sự quan tâm của hơn 200 sinh viên với rất nhiều kiến thức, câu hỏi bổ ích đã được chia sẻ và thảo luận.

Chia sẻ với các bạn sinh viên, bà Thanh Bình cho biết: Toàn cầu hóa khiến cho hội nhập trở thành vấn đề tất yếu. Sự kết nối giữa các quốc gia trở nên phổ biến và thường xuyên hơn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với thế hệ trẻ. Để có thể trở thành những công dân toàn cầu; tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn với môi trường năng động, hiện đại, đãi ngộ cao; làm việc được trong môi trường đa văn hóa; có thể tiếp cận những cơ hội học tập nâng cao trình độ tại các quốc gia trên thế giới, các bạn trẻ nên tìm hiểu về những rào cản văn hóa, trang bị những kỹ năng thích nghi và hòa nhập khi học tập, làm việc trong môi trường đa văn hóa từ rất sớm…

Tại buổi Talkshow, bà Đặng Vũ Thanh Bình cũng nêu bật những rào cản văn hóa đến từ những đặc điểm, thói quen cơ bản, như: Khác biệt đến từ những yếu tố truyền thống dân tộc, ngôn ngữ.

Để hội nhập văn hóa, sinh viên Quản trị kinh doanh cần trang bị những kỹ năng gì?

Trả lời câu hỏi này của các bạn sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, bà Đặng Vũ Thanh Bình chia sẻ, đầu tiên, với một môi trường mới, những đồng nghiệp hay cấp trên mới, đến từ những nền văn hóa khác nhau, kiên nhẫn và thấu hiểu giúp tâm thế của người trẻ dễ dàng khi tiếp cận với một nền văn hóa mới. Khi đã chấp nhận tham gia một sân chơi toàn cầu, hay quyết tâm hòa nhập với một nền văn hóa mới, việc hạn chế cái tôi cá nhân, tránh các định kiến và những quan điểm dập khuôn là điều nên làm. Thử học cách đón nhận những ý tưởng mới và học cách thích nghi với những nền văn hóa khác nhau.

Thứ hai, trong học tập, giao tiếp và làm việc, vẫn chú ý “hòa nhập chứ không hòa tan” về văn hóa. Điều này đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế. Bối cảnh và không gian làm việc, giao tiếp đến từ những nền văn hóa khác nhau nên cởi mở nhất có thể để các cá nhân thể hiện cá tính riêng, văn hóa giao tiếp và chấp nhận một văn hóa chung nhất, hài hòa và tốt nhất.

Thứ ba, sau khi hội nhập những nền văn hóa mới là tìm hiểu và sử dụng ngôn ngữ, những ký hiệu chung. Điều này tối quan trọng trong làm việc và học tập. Đảm bảo sự tương tác trong giao tiếp có được kéo dài và lâu bền hay không.

Thứ tư, khi nghi ngờ về một vấn đề nào đó, hãy thoải mái đặt câu hỏi nếu không chắc chắn.

Thứ năm, Nâng cao khả năng ngôn ngữ và có thể giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Thứ sáu, tìm hiểu về nền văn hóa - nơi mình dự định sinh sống - những chuẩn mực của họ và thực hành trước các kỹ năng trong giao tiếp, làm việc để có thể nhanh chóng thích nghi.

Ths. Vũ Ngọc Thắng – Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh Đại học Đại Nam