25/12/2021

489

Giảng viên khoa Y Đại học Đại Nam “bật mí” cách học tốt môn giải phẫu

Để việc học tập đạt hiệu quả tốt nhất, bên cạnh ý chí, sự quyết tâm, các em cần phải có phương pháp học tập phù hợp.

Các em sinh viên Y khoa thân mến!

Khi bước chân vào giảng đường đại học, đặc biệt là lựa chọn học ngành Y khoa, các em cần phải xác định cho mình động cơ, mục đích học tập rõ ràng ngay từ đầu. Để việc học tập đạt hiệu quả tốt nhất, bên cạnh ý chí, sự quyết tâm, các em cần phải có phương pháp học tập phù hợp. Tại bài viết này, cô sẽ chia sẻ cùng các em những kinh nghiệm để học tốt môn giải phẫu – môn học tiền đề cho các môn học tiếp theo và rất quan trọng khi thực hành lâm sàng (khám bệnh, làm các thủ thuật, phẫu thuật cho người bệnh…)

Các bước để học tập môn giải phẫu hiệu quả:

Bước 1: Đọc tài liệu trước khi nghe giảng:

  • Đọc kỹ từng phần  của tài liệu và đánh dấu các nội dung mấu chốt.
  • Vẽ hình và ghi chú các phần của cơ quan, bộ phận vừa đọc trong tài liệu. Các em đừng ngại vẽ xấu nhé vì vẽ hình giúp chúng ta nhanh thuộc và nhớ bài rất lâu.
  • Ghi chú các nội dung không thể thể hiện được bằng hình vẽ ở bên cạnh hình vừa vẽ (ví dụ: chức năng, mối liên quan…)
  • Tham khảo thêm hình vẽ hoặc video trên mạng Internet về cơ quan mình vừa đọc tài liệu.
  • Soạn câu hỏi về những vấn đề mình chưa hiểu để hỏi bạn bè hoặc thày cô giáo trong buổi học

Bước 2. Nghe giảng và ghi chép

  • Chú ý nghe thầy/cô hướng dẫn phương pháp học.
  • Chú ý khi thầy/ cô minh họa trên hình ảnh, hình vẽ, video…
  • Cố gắng vẽ và ghi chú  các hình vẽ thày/cô minh họa.
  • Phần chữ, chỉ ghi chép những vấn đề thầy/cô mở rộng thêm (không có trong tài liệu)
  • Có thể chụp ảnh hình vẽ hoặc ghi âm lời thuyết trình của thầy/ cô để về xem lại/ nghe lại
  • Cố gắng trả lời câu hỏi của thầy/ cô.
  • Chủ động hỏi thầy/ cô những chỗ mình chưa hiểu.

Bước 3. Ôn tập sau buổi học lý thuyết

  • Ôn lại bài ngay sau buổi học.
  • Xem lại vở ghi.
  • Vẽ lại hình và ghi chú, ghi các nội dung không thể thể hiện được bằng hình vẽ sang bên cạnh.
  •  Bỏ túi hình vẽ để hàng ngày bỏ ra xem lại nhiều lần sẽ nhớ rất lâu.

Bước 4. Thực hành trên mô hình

  • Xem lại bài và hình vẽ trước buổi thực hành.
  • Đối chiếu hình vẽ với mô hình.
  • Trong nhóm học tập tự lượng giá lẫn nhau trên mô hình.
  • Luôn tích cực trả lời câu hỏi lượng giá của thày/cô

Bước 5. Ôn tập sau buổi thực hành:.

  • Xem lại hình vẽ và ghi chú.
  • Liên hệ bộ phận vừa học trên cơ thể mình (ví dụ: tim nằm ở đâu, mỏm tim nằm ở đâu, đáy tim nằm ở đâu, liên quan đến những bộ phận nào…)

Bước 6. Ôn tập để chuẩn bị thi kết thúc học phần:

  • Soạn đề cương ôn tập (chú ý vẽ hình, ghi chú)
  • Bỏ túi đề cương để xem lại nhiều lần trong ngày

Chúc các em học đạt kết quả học tập tốt!

ThS, BS Tạ Thị Thanh Phương – Giảng viên khoa Y Trường Đại học Đại Nam