28/11/2024

1190

Đào tạo nội bộ tại Đại học Đại Nam: Nâng tầm đội ngũ, lan tỏa tinh thần “vì người học tận tâm”

Đào tạo nội bộ không chỉ là một hoạt động thường niên tại Đại học Đại Nam (DNU) mà còn là một chiến lược quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên ngày càng chuyên nghiệp, tận tâm và sáng tạo. Với mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý và tinh thần cống hiến, chương trình đào tạo nội bộ năm học 2024 - 2025 tiếp tục khẳng định giá trị cốt lõi của DNU “vì người học tận tâm”.

Phát triển toàn diện năng lực đội ngũ

Chương trình đào tạo nội bộ tại DNU được thiết kế theo định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của một môi trường giáo dục hiện đại. Mỗi thành viên, dù ở bất kỳ vị trí nào, đều được xác định là một mắt xích quan trọng trong việc lan tỏa tri thức và giá trị nhân văn.

Lãnh đạo quản lý: Tăng cường kỹ năng tổ chức, điều hành và phát triển đội ngũ, đồng thời nâng cao khả năng hỗ trợ sinh viên.

Giảng viên: Cập nhật phương pháp giảng dạy hiện đại, nâng cao kỹ năng thiết kế bài giảng, quản lý lớp học và thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Cán bộ, nhân viên: Hoàn thiện kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, đồng bộ trong phục vụ sinh viên và hỗ trợ giảng dạy.

Những chuyên đề mang tính thực tiễn và truyền cảm hứng

Chương trình năm nay bao gồm 05 chuyên đề, tập trung vào các khía cạnh thiết yếu như: Nhận diện chân dung sinh viên Đại học Đại nam và xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên, nhân viên; Nghiên cứu khoa học; Quản lý dạy và học; Phương pháp giảng dạy tích cực; Kỹ năng thiết kế bài giảng đảm bảo nhận diện thương hiệu DNU. Mỗi chuyên đề không chỉ trang bị kiến thức mà còn khơi nguồn cảm hứng, giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên phát huy tối đa khả năng, lan tỏa tinh thần “vì người học tận tâm”.

Chuyên đề "Nhận diện chân dung sinh viên Đại học Đại Nam và xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên, nhân viên" do cô Cao Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng trực tiếp chia sẻ, đã giúp hiểu rõ đặc điểm, nhu cầu và tâm lý của sinh viên. Từ đó, xây dựng một môi trường học tập an toàn, tôn trọng và gắn kết. Đặc biệt, chuyên đề đã đưa ra những tiêu chí quan trọng để xây dựng hình ảnh người thầy chuẩn mực, gần gũi và kết nối với sinh viên.

Nghiên cứu khoa học - chuyên đề do cô Đào Thị Thu Giang – Phó Hiệu trưởng đứng lớp: Định hướng phát triển nghiên cứu gắn với thực tiễn, khẳng định vị thế học thuật của nhà trường.

Quản lý dạy và học - chuyên đề do cô Lê Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng chia sẻ: Giúp đội ngũ giảng viên Đại học Đại Nam tiếp tục hoàn thiện và phát triển phong cách giảng dạy, đồng hành cùng sinh viên trên hành trình học tập và trưởng thành.

Phương pháp giảng dạy tích cực - chuyên đề này do cô Nguyễn Thị Thúy – Trưởng khoa Đào tạo và Phát triển kỹ năng mềm chia sẻ: Ứng dụng các cách tiếp cận hiện đại, truyền cảm hứng và khai phóng tiềm năng của người học.

Kỹ năng thiết kế bài giảng - chuyên đề này do cô Nguyễn Thị Thúy – Trưởng khoa Đào tạo và Phát triển kỹ năng mềm chia sẻ: Đảm bảo truyền tải hiệu quả tri thức và lan tỏa giá trị văn hóa của DNU trong từng bài giảng.

Lan tỏa tinh thần vì người học tận tâm

Với thông điệp "vì người học tận tâm," Đại học Đại Nam không chỉ đặt mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn mà còn xây dựng đội ngũ thầy cô, cán bộ luôn sẵn sàng lắng nghe, đồng hành và dẫn dắt sinh viên trên hành trình phát triển toàn diện. Đây chính là chìa khóa giúp DNU không ngừng đổi mới, vươn xa và khẳng định vị thế trong cộng đồng giáo dục.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô chia sẻ: “Chuyên đề nhận diện chân dung sinh viên Đại học Đại nam và xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên, nhân viên xây dựng quá kỳ công và chuyên nghiệp, kể cả giảng viên dạy chuyên ngành cũng ít khi làm được như vậy. Cô Hoà rất "lửa" và rất tâm huyết! Nội dung bao quát hết trong một khoảng thời gian không dài đã lột tả được hết các đặc điểm nói chung của lứa tuổi Genz. Đây thực sự là những tài liệu quý giá. Giáo viên tuỳ theo lứa tuổi cần có những ứng xử phù hợp sao cho gần gũi sinh viên nhưng vẫn giữ được vai trò là cha mẹ, anh chị và nhất là người thầy…”

Anh Nguyễn Trọng Việt – Phó trưởng phòng Tuyển sinh cho biết: “Buổi tập huấn về chân dung sinh viên Đại học Đại Nam do cô Cao Thị Hòa trình bày đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Những chia sẻ của cô không chỉ cung cấp cái nhìn toàn diện về insight sinh viên DNU mà còn giúp tôi hiểu rõ hơn về tâm lý, nhu cầu và mong đợi của các em. Những thông tin này giúp chúng tôi xây dựng chiến lược tuyển sinh hiệu quả hơn, thu hút được nhiều thí sinh chất lượng. Đồng thời, tôi cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng tư vấn tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sinh viên…”

Thầy Nguyễn Lân Tráng – Trưởng khoa Công nghệ bán dẫn chia sẻ: “Dù ở độ tuổi nào hay đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm, người thầy vẫn cần không ngừng học hỏi, trau dồi và nâng cấp bản thân để đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Không thể tự mãn rằng mình đã giỏi và không cần học thêm nữa. 'Học thầy không tày học bạn' là bài học luôn đúng. Những buổi tập huấn như thế này chính là cơ hội để các thầy cô hiểu rõ hơn về sinh viên của mình. Chỉ khi thấu hiểu các em, chúng ta mới có thể giảng dạy và đồng hành cùng các em một cách hiệu quả…”

Thầy Nguyễn Hữu Nhân – Trưởng phòng Công tác sinh viên: “So với những năm trước, nội dung đào tạo tập trung hơn vào các giá trị cốt lõi của trường, đặc biệt là giá trị vì người học tận tâm. Điều này giúp cán bộ, giảng viên nhận diện rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng văn hóa DNU. Chương trình không chỉ là cơ hội để mỗi giảng viên nâng cao năng lực chuyên môn, mà còn là dịp để xây dựng sự gắn kết giữa các thế hệ cán bộ, giảng viên và nhân viên, tạo nên một đội ngũ đồng lòng, mạnh mẽ, vì người học tận tâm…”

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh – Giảng viên khoa Ngôn ngữ Anh: “Cô Hoà đã đưa ra những chuẩn mực mà cán bộ, giảng viên cần đạt được để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà trường, và xã hội! Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với slide cuối cùng. Khi cô nói về Sứ mệnh thầy cô Đại Nam làm tôi rất xúc động, bởi hiếm có ở tổ chức giáo dục nào mà những người đứng đầu lại có tâm với sự nghiệp giáo dục như vậy! Hơn nữa, cô Cao Hoà là một tấm gương về sự máu lửa, tràn đầy năng lượng và chân tình khiến người ngồi nghe như tôi cảm thấy rất có động lực và phấn đấu!”

Cô Nguyễn Thị Dịu – Phó trưởng khoa Truyền thông mới đầu quân về DNU chia sẻ: “Buổi đào tạo nội bộ về Insight sinh viên DNU rất cô đọng, thông tin đa chiều, sinh động, số liệu cập nhật. Nhờ đó, tôi có cái nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn về chân dung người học, đồng thời ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tương tác, hướng dẫn và đào tạo sinh viên. Chương trình tập huấn nội bộ là hoạt động cần thiết và hữu ích giúp nhân sự mới “nhập gia tùy tục”, nhanh chóng hội nhập với văn hóa và công việc ở Đại Nam”.

Cô Hà Thị Xoa – Thư ký Ban Giám hiệu: "Với cá nhân là nhân sự thuộc khối văn phòng, không trực tiếp giảng dạy và quản lý sinh viên nhưng buổi chia sẻ của cô Hòa thực sự rất thiết thực và "đời". Nó không chỉ có ý nghĩa trong việc quản lý đào tạo sinh viên mà còn đem đến cho mỗi người cách hiểu, nhìn nhận về giới trẻ ngày nay, áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là cách "dạy con"…”

Thầy Nguyễn Duy Quốc Tuấn – Phó trưởng khoa Mỹ thuật và thiết kế chia sẻ: "Phương pháp giảng dạy tích cực không chỉ giúp tăng hiệu quả truyền tải kiến thức mà còn xây dựng được cầu nối cảm xúc giữa thầy và trò. Chuyên đề này đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp để đồng hành cùng thế hệ Gen Z năng động và sáng tạo."

"Đây không chỉ là một chương trình đào tạo mà còn là nơi để đội ngũ chúng tôi chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt, tinh thần 'Vì người học tận tâm' đã được thấm nhuần từ nội dung chương trình đến cách thức tổ chức" cô Nguyễn Thị Nguyệt Loan – Giảng viên khoa Tài chính – Ngân hàng cho biết.

Đào tạo nội bộ không chỉ dừng lại ở cấp trường mà còn cần được mở rộng và phát triển ở từng khoa, từng bộ phận chuyên môn. Sau khi tham gia các chương trình đào tạo chung do nhà trường tổ chức, các khoa có thể tiếp tục kế thừa, tùy chỉnh và phát triển nội dung đào tạo phù hợp với đặc thù chuyên môn của mình. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực của cán bộ, giảng viên mà còn thúc đẩy sự phát triển đồng đều và bền vững trong toàn trường.